Đánh giá Như Ý truyện

Là bộ phim sau Chân Hoàn truyện, bản thân "Như Ý truyện" được kỳ vọng cao do dàn diễn viên kì cựu, đạo diễn danh tiếng và sự đầu tư lớn. Nhìn chung tuy không thể sánh với "hiện tượng" trước đó của Chân Hoàn truyện, nhưng cốt truyện của Như Ý truyện lại được đánh giá sâu sắc hơn, đặc biệt là diễn xuất của nữ diễn viên Châu Tấn trong vai nữ chính Như Ý. Căn cứ Bắc Kinh vãn báo (北京晚报), bộ phim có phong cách hoàn toàn khác với Chân Hoàn truyện dù là cùng một tác giả, ở bộ phim này từ nữ chính đến vai phụ đều có những mặt tối trong chỉnh thể bản thân, không ai hoàn toàn quá mức thuần khiết, mà cũng không ai hoàn toàn đáng trách.

Bởi vì là một bộ phim về cung đấu, dĩ nhiên hình tượng nhân vật lịch sử cũng được viết theo cách nhìn của tác giả. Đó cũng là nguyên nhân tiểu thuyết cùng phim đều đặt tên cho nhân vật, để tách bạch thực tế và nhân vật trong tác phẩm, tuy nhiên vẫn có những nhân vật thuộc phạm trù không thể thay đổi, có một số thứ tuy trong tiểu thuyết là chấp nhận được nhưng khi lên phim thì không thể không thay đổi. Ví dụ trong phim thì Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu Ngụy Giai thị cùng Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát thị đều thể hiện những "Cái ác" mà lịch sử không ghi lại, hoặc ghi lại khác hẳn. Do đó, Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu - tức nhân vật Lang Hoa trong phim - đã được thiết kế giảm đi rất nhiều nếu so với tiểu thuyết, và Ngụy Giai thị phải đổi thành họ Vệ (Họ Vệ trong tiếng Trung đồng âm 'Wei' với Ngụy), phong hiệu cũng đổi chữ dù phát âm giống[8].

Về chi tiết lịch sử, phim ảnh cùng tiểu thuyết không phải tư liệu lịch sử, bản thân đoàn làm phim cũng không chắc nịch sẽ làm theo đúng nhất, cho nên sự chuẩn xác về nhân vật và bối cảnh của phim so với thời Càn Long cũng rất có hạn chế. Ngoại trừ những điểm không phù hợp thời đại của trang phục đã được chính đoàn làm phim tự nhận, hoặc các nhà chuyên môn Mãn Thanh cung đình chỉ ra, thì những cái 「"Ghi chú"」 ở dưới từng nhân vật trong bài Wikipedia này và của Hậu cung Như Ý truyện đã chỉ điểm ra rất rõ những hạn chế về lai lịch nhân vật, đâu là thực tế và đâu là tác giả thêm thắt vì mục đích tiến triển nội dung cho phim. Nhìn nhận ở góc độ nghệ thuật, "Như Ý truyện" hoàn toàn đáng theo dõi, nhưng cũng vì quá thích thú cùng tâm đắc nội dung của phim mà không ít khán giả lẫn lộn giữa 「"Nhân vật của phim"」 và 「"Nhân vật lịch sử"」, và đây không phải là lỗi của đoàn phim mà là chính bản thân khán giả cần biết giới hạn.